Diễn đàn Paltalk TiengNoi TuDo Cua NguoiDan VietNam

March 31, 2008

Dự án JMSU về Trường Sa bị phê

Dự án JMSU về Trường Sa bị phê
Đảo Trường Sa
Dự án khảo sát của ba quốc gia đang gây tranh cãi ở Philippines

Nghị viện Philippines sẽ còn xem xét dự án nghiên cứu quần đảo Trường Sa chung với Trung Quốc và Việt Nam trong lúc báo chí đặt câu hỏi.

Truyền thông Philippines 19.03 đã đánh động chuyện tàu của Trung Quốc vào cảng trên đảo Palawan trong dự án vẽ bản đồ địa chấn vùng Trường Sa, và trích lời các nghị sĩ nước này nói dự án ba bên bị che giấu trước dư luận.

Tập đoàn dầu PNOC của Philippines đã xác nhận tàu Nan Hai 502 của Trung Quốc vào cảng Puerto Princesca City nhưng nói đây là việc bình thường trong quá trình thực hiện dự án JMSU nghiên cứu địa chấn vùng Trường Sa.

Tổng giám đốc PNOC, ông Antonio Cailao được mạng ABS-CBN trích lời nói đây chỉ là một trong ba chiếc tàu lo nhiệm vụ đo đạc vùng biển.

Nhưng ABS-CBN sau khi chiếu hình chiếc tàu Trung Quốc vào cảng của Philippines tiếp dầu đã nói những người chỉ trích JMSU nói dự án này “vi phạm hiến pháp”.

Dù tập đoàn PNOC và chính phủ nói đây mới chỉ là dự án tìm hiểu để khai thác, dân biểu Satur Ocampo cho báo chí hay rằng một dự án như vậy phải được phía Philippines nắm 60%, và Tổng thống Arroyo phải trình lên nghị viện trong vòng 30 ngày sau khi ký JMSU.

Được biết nghị viện Philippines sẽ nhóm họp vào ngày 21 tháng Tư năm nay sau kỳ nghỉ năm tuần.

JMSU là gì?

Vẫn theo truyền thông Philippines, ba nước Philippines, Việt Nam và Trung Quốc có thời gian đến 1 tháng Bảy 2008 để hoàn thành phần hai của dự án JMSU kéo dài ba năm.

Ba bên CNOOC của Trung Quốc, PNOC của Philippines và PetroVietnam đã ký năm 2005 “Thỏa thuận ba bên về hợp tác nghiên cứu hải dương một số khu vực của biển Nam Trung Hoa”.

 Chúng tôi đề nghị mở các cuộc điều tra để xem hành pháp có vi phạm hiến pháp hay không
Dân biểu Satur Ocampo

Thỏa thuận cũng nói ba bên sẽ tôn trọng luật pháp và kết quả của việc thực hiện sẽ được đề trình để ba chính phủ chuẩn thuận.

Theo tin của ABS-CBN News thì dự án không chỉ đo đạc vùng quần đảo Trường Sa mà còn nhằm kiểm tra lượng dầu và khí.

Theo đó, Trung Quốc lo thu thập dữ liệu, Việt Nam sẽ phân tích và Philippines giải thích các số liệu có được.

Vấn đề là ở chỗ, như báo chí Philippines đăng tải, vì sao việc thăm dò, đo đạc này không được loan báo cho dư luận biết trước và trong bối cảnh ngành lập pháp đang xem xét luật về lãnh thổ biển.

Tàu Nan Hai 502 đã được phép vào cảng ở đảo Palawan, nơi an ninh được canh phòng cẩn mật.

Mạng ABS-CBN News nói quan chức cảng đã tìm cách ngăn cản họ quay phim chiếc tàu của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes được trích lời chỉ trích chính quyền đã “nói dối nhân dân Philipin” về dự án JMSU trong vùng lãnh hải của quốc gia.

Tiếp tục tranh luận

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes đã phê phán bên hành pháp về dự án JMSU

Báo Philippines Star nói Thượng viện sẽ điều tra dự án JMSU ký với Trung Quốc và Việt Nam ngày 14 tháng Ba 2005 với hết hiệu lực còn đến 30 tháng Sáu này.

Vào thập niên 90, Trung Quốc đề nghị các nước đang tranh chấp Biển Đông gác vấn đề chủ quyền sang một bên và cộng tác khai thác tài nguyên nhưng không được Việt Nam chấp nhận.

Sau khi trở thành thành viên ASEAN năm 1995, Việt Nam từng mong đợi là một sự đoàn kết trong khối sẽ tạo thêm vị thế cho mình trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Nhưng năm 2004, Philippines đã đơn phương ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Trung Quốc trong vùng tranh chấp.

Sau đó, Việt Nam qua PetroVietnam cũng bắt đầu tham gia dù mới chỉ là ở dự án JMSU mà nội dung chưa được công bố cho dư luận.

Cũng theo báo Philippines Star 13.03, trong nghị viện Philippines có cuộc tranh luận về dự luật lãnh thổ (House Bill 3216) trong khi Trung Quốc gây sức ép mạnh.

Bài của Jess Diaz nói Bắc Kinh đã truyền đạt rằng họ không hài lòng trước việc dự luật còn phải được trình bày lần thứ hai trước nghị viện. Đại sứ Philippines Sonia Brady hồi tháng 12.2007 đã nhận được thông điệp đó, và trong tháng Giêng 2008, tùy viên ngoại giao Trung Quốc cũng có tác động.

Lưỡng viện Quốc hội Philippines có thời gian đến tháng Năm 2009 do Liên hiệp quốc đặt ra để thực hiện những gì đúng với Công ước luật biển (UNCLOS).

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/03/080331_spratlysphilippinconcerns.shtml

Leave a Comment »

No comments yet.

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Leave a comment

Blog at WordPress.com.