Diễn đàn Paltalk TiengNoi TuDo Cua NguoiDan VietNam

May 12, 2008

TS Lê Đăng Doanh: Tình hình cấp bách, Việt Nam sắp có cải cách lớn

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

2008-05-12

Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương một cơ quan của Nhà nứơc, vừa đưa ra dự báo sắp tới đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó trong tình trạng kém nhất thì tăng trưởng ở mức 6,6% lạm phát hơn 22%, thâm hụt cán cân thương mại hơn 17% GDP.

Với kịch bản  thuận lợi thì dự báo tăng trưởng vẫn hơn 7% và lạm phát khỏang 17%. Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế được nhiều người biết tới ở Việt Nam. Từ Hà Nội, trứơc hết ông đưa ra nhận định:                

TS Lê Đăng Doanh:  Tình hình đúng là không dễ dàng một chút nào. Bởi vì tôi nghĩ rằng lạm phát cũng phải vào khỏang như Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương đã đưa ra. Còn thâm hụt thương mại rất là nghiêm trọng, và mức thâm hụt thương mại này cũng không phải dễ dàng giảm xuống.

Như ông biết gần đây một doanh nhân Việt Nam đã mua một cái máy bay 7 triệu đô la, nếu như một người mua máy bay vài người mua thêm  máy bay và mua thêm ô tô nữa, thì tôi không tin rằng thâm hụt thương mại sẽ  giảm đi. 

Tình hình cấp bách

Nam Nguyên: Thưa TS, ông có nói là giảm chỉ tiêu tăng trưởng  chưa đủ để chống lạm phát. Dường như ông chưa  đánh giá cao  khả năng thực hiện các nhóm giải pháp mà chính phủ đề ra, các giải pháp này cũng  đặt vấn đề tiền tệ ngân hàng, đầu tư công và nhiều lãnh vực khác nữa?

Tôi nghĩ rằng, phải có một quyết tâm về mặt chính trị rất cao để có thể thực thi được các biện pháp đó và các biện pháp thực thi để giảm lạm phát không thể làm vừa lòng tất cả mọi người.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh:  Tôi cho là những giải pháp của chính phủ là đúng hứơng và cũng là cần thiết. Tuy vậy các giải pháp đó cần được cụ thể hóa thêm và phải được thực thi rất là nghiêm chỉnh. Trong thời gian tới đây các biện pháp về tài chính tiền tệ, giải quyết thâm hụt ngân sách cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Bởi vì các biện pháp ấy liên quan với nhau.

Thí dụ như ở Hoa Kỳ thì Cục Dự Trữ Liên Bang chỉ cần giảm lãi suất thì nền kinh tế đã có chuyển động ngay. Thế nhưng ở VN do nền kinh tế bị đô la hóa, rồi do người dân mua sắm vàng bạc nhiều, vì vậy người ta phản ứng trứơc việc nâng lãi suất ngân hàng nó có một hiệu lực khác hẳn so với tác động đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Vì vậy việc điều hành ở Việt Nam phải phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực thực thi và chỉ đạo trong thời gian tới đây.

Nam Nguyên: Thưa, nhiều người cho rằng 8 nhóm giải pháp của thủ tứơng Việt Nam đề ra có vẻ như là một chương trình cải tổ tòan diện nền kinh tế. Như vậy cần phải có sự cải cách rất lớn, nhưng thưa ông điều này đâu dễ thực hiện trong cơ chế chính trị của Việt Nam.

TS Lê Đăng Doanh:  Tôi nghĩ rằng, phải có một quyết tâm về mặt chính trị rất cao để có thể thực thi được các biện pháp đó và các biện pháp thực thi để giảm lạm phát không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Vì vậy sẽ phải chịu đau, như là cắt giảm các dự án đầu tư, rồi phải xem xét lại tình hình thị trường bất động sản, rồi cần phải hạn chế tình hình nhập siêu v..v..

Tất cả những biện pháp đó đòi hỏi sự đóng góp của tòan xã hội, nhưng tôi nghĩ rằng tình hình đã rất khẩn cấp và  việc phải có những biện pháp cương quyết để thực hiện chương trình của chính phủ là rất cần thiết. Vừa qua Quốc hội cũng đã nêu lên những vấn đề như vậy trong khi thảo luận về tình hình kinh tế năm 2008 này.

Hội nghị Trung Ương sẽ quyết định

Nam Nguyên: Thưa như vậy có cần chờ tới một kỳ đại hội đảng để có thể cải tổ lớn như vậy hay không?

TS Lê Đăng Doanh:  Theo tôi tình hình hiện nay rất là cấp bách và quốc hội cũng như hội nghị trung ương  sắp tới đây của đảng Cộng Sản VN, hòan tòan có thể  thực hiện được công cuộc cải tổ như vậy. Tôi nghĩ rằng VN cần chú ý cải tổ các doanh nghiệp nhà nứơc, cải tổ các tập đòan kinh tế của nhà nứơc, cải tổ khâu phân phối.

Vì như báo chí đưa tin gần đây cho thấy là các nhà máy xi măng vẫn sản xuất và cung ứng xi măng ra thị trường với giá không thay đổi, nhưng mà giá xi măng đến người tiêu dùng thì đã tăng lên rất là mạnh mẽ và có nơi trong tuần rồi đã tăng lên đến 100%.

Theo tôi tình hình hiện nay rất là cấp bách và quốc hội cũng như hội nghị trung ương  sắp tới đây của đảng Cộng Sản VN, hòan tòan có thể  thực hiện được công cuộc cải tổ như vậy.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Đây là điều hết sức đáng chú ý,  khâu phân phối ở VN cần được quản lý  xử lý một cách chặt chẽ hơn nữa, để tránh việc chỉ thị của chính phủ không được tăng giá thì được thực hiện ở nhà máy, nhưng mà khi các đại lý đưa xi măng đến tay người dân thì lại tăng giá lên.

Họ làm việc đó bằng cách ghìm xi măng lại, họ tạo ra một tình trạng mất cung cầu giả tạo trên thị trường . Đấy là một khâu cần hết sức chú ý để tránh những cơn sốc  như cơn sốc giá gạo bây giờ lại có cơn sốc xi măng. Và chúng ta cần chuẩn bị đối phó với các cơn sốc khác nữa.

Nam Nguyên: Thưa TS, trong tình hình hiện  nay, liệu người dân VN có thể chịu đựng nổi lạm phát 22% tiếp theo đợt lạm phát năm 2007 vừa rồi hay không?  

TS Lê Đăng Doanh: Lạm phát là một sắc thuế vô hình đánh vào tất cả mọi người dân và người dân sẽ phải đóng góp và chịu đựng. Chính phủ đã có chú ý và quốc hội một lần nữa đã lưu ý việc  khẩn thiết phải có chương trình trợ giúp cho người nghèo.

Tôi tin là người VN sẽ vượt qua được cái thử thách này, giống như đã vượt qua các thử thách còn gay gắt hơn rất nhiều trong quá khứ, trên lãnh vực chiến đấu cũng như trên lãnh vực kinh tế, như thời kỳ đổi mới trong những năm 88, 89, người VN đã vượt qua được.

Nếu vượt qua được thử thách lần này thì nền kinh tế VN sẽ có khả năng có hiệu quả hơn sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn. Nếu không có cải cách thì tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa.

Nam Nguyên:  Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh về thời gian ông dành cho đài RFA. 

Leave a Comment »

No comments yet.

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.