Diễn đàn Paltalk TiengNoi TuDo Cua NguoiDan VietNam

February 21, 2008

Một cái nhìn về tổ chức quân đội cộng sản Việt Nam

Nguyễn Văn Huy

“… điểm yếu của quân đội cộng sản Việt Nam, ngoài yếu tố chính trị bao trùm, là trên biển và trên không …”
Chỗ đứng nào dành cho quân đội ?

Ngày 2-12-2007, chính quyền Trung Quốc ra quyết định thành lập huyện Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, gồm ba quần đảo : Trung Sa của Trung Quốc và Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là một quyết định hành chánh liên quan đến những hòn đảo mà họ đã chiếm trên tay của Việt Nam.

Phản ứng của Việt Nam đã liền túc thì. Như thường lệ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam ra một thông cáo phản đối hành động này và tiếp tục xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo trên, rồi thôi. Nhưng lần này thanh niên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, đã vận động tự phát biểu tình tố cáo sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn trong nhiều tuần lễ, và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Báo chí trong nước tuy không công khai bênh vực những cuộc xuống đường này cũng đã đăng rất nhiều bài vở và dẫn chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.

Trước sự bất động của Hà Nội, nhiều giả thuyết đã được đặt ra. Một là đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận sự kiện đã rồi, nghĩa là nhắm mắt cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên hai hải đảo mà họ đã chiếm của Việt Nam. Hai là quân đội Việt Nam quá yếu, không đủ khả năng đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, nên đảng cộng sản Việt Nam chọn thái độ im lặng, lẩn tránh ?

Nếu trường hợp thứ nhất là đúng thì không còn gì để nói, việc giành lại chủ quyền trên hai quần đảo này thuộc về các chính quyền mai sau. Hà Nội chỉ phản ứng lấy lệ khi hành động xâm lấn của Trung Quốc trở nên quá lộ liễu. Tình trạng này sẽ không thay đổi chừng nào đảng cộng sản vẫn còn nắm cầm quyền.

Trường hợp thứ hai đáng được bàn cãi vì trong thực tế quân đội cộng sản Việt Nam tuy không được trang bị đầy đủ nhưng không quá hèn nhát như nhiều người lầm tưởng. Vấn đề của quân đội, cũng như tất cả các lực lượng võ trang trực thuộc đảng cộng sản Việt Nam, là bị chính trị hóa quá nặng nề. Mỗi đơn vị quân đội đều được lãnh đạo bởi hai cơ chế chính trị : bộ tham mưu và cục chính trị,trong khi những cơ chế quan trọng khác liên quan đến quân đội như cục tác chiến, cục kỹ thuật và cục hậu cần chỉ là phụ thuộc. Nói cách khác, với cơ chế tổ chức hiện nay quân đội chỉ là công cụ của đảng cộng sản, do đó không có chỗ đứng nào trong chính quyền cũng như trong xã hội, nếu đảng cộng sản chủ trương cúi đầu thì quân đội cúi đầu theo.

Theo điều 45 hiến pháp 1992 đã sửa đổi, “các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”. Nhưng theo cách tổ chức xã hội hiện nay, trung thành với tổ quốc và nhân dân ở đây phải hiểu là trung thành với đảng cộng sản Việt Nam, vì đảng cộng sản luôn luôn nhân danh tổ quốc và nhân dân để lãnh đạo xã hội, như điều 4 hiến pháp đã qui định. Trả lại cho quân đội chức năng thiêng liêng của nó, nghĩa là bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, là một cấp bách.

Quân đội nhân dân Việt Nam

Quân đội nhân dân Việt Nam, tiền thân là đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944, là lực lượng quân sự chính quy của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Như tên gọi của nó, “quân đội nhân dân” là “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Trong thực tế, dưới các chế độ cộng sản, tất cả những định chế có đính kèm thêm hai chữ “nhân dân” phải được hiểu là công cụ của đảng cộng sản : ủy ban nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Photobucket - Video and Image Hosting

Tuyên truyền giải phóng quân

Về tên gọi, quân đội cộng sản mang nhiều tên khác nhau: Giải phóng quân (15-4-1945) do sự kết hợp của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với lực lượng Cứu quốc quân (lực lượng quân sự chính của Việt Minh với khoảng 450 người) để giành chính quyền năm 1945. Tháng 11-1945, lực lượng này đổi thành Vệ quốc đoàn, hay Vệ quốc quân, với khoảng 50.000 người, gồm 40 chi đội. Ngày 22-5-1946, đội quân này trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam được chính quy hóa. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Minh lập thêm các lực lượng võ trang và bán võ trang quần chúng gồm dân quân (ở nông thôn) và tự vệ (ở đô thị). Cuối năm 1946, có khoảng 1 triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự. Năm 1950, Quân đội quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại miền Nam, ngày 15-2-1961, trong Chiến khu Đ, các Vệ quốc đoàn kết hợp với bộ phận tăng viện của quân đội nhân dân từ miền Bắc vào và lực lượng du kích chiêu mộ tại chỗ, được tổ chức thống nhất dưới tên gọi Quân giải phóng miền Nam, gọi tắt là Giải phóng quân, là lực lượng quân sự của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất, quân đội nhân dân và quân giải phóng miền Nam hợp lại thành Quân đội nhân dân Việt Nam, với khoảng 1,1 triệu quân thường trực. Hiện nay, quân đội nhân dân Việt Nam có khoảng 480.000 người đang tại ngũ.

Bộ tổng tham mưu

Cơ quan chỉ huy tối cao của quân đội là bộ tổng tham mưu, cơ quan đầu ngành tham mưu của bộ quốc phòng, đứng đầu là tổng tham mưu trưởng. Từ 1978, tổng tham mưu trưởng kiêm nhiệm luôn chức vụ thứ trưởng quốc phòng, hiện nay là thượng tướng, Nguyễn Khắc Nghiên. Các phó tổng tham mưu gồm các trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, Nguyễn Năng Nguyễn, Nguyễn Đăng Luyện, Phạm Hồng Lợi, Trần Quang Khuê, Nguyễn Song Phi.

Vai trò của bộ tổng mưu chỉ mới được tái lập gần đây, năm 1975. Trước đó, ngày 7-9-1945, bộ tổng tư lệnh là cơ quan chỉ huy cao nhất của lực lượng võ trang (quân đội và công an) trong suốt hai cuộc chiến Đông Dương (1945-1954 và 1956-1975). Vì là cơ quan chỉ huy tối cao, cơ chế này có nhiều tên gọi khác nhau : Ủy ban kháng chiến toàn quốc hay Toàn quốc kháng chiến ủy viên hội (2-3-1946), Quân sự ủy viên hội, gọi tắt là Quân ủy hội (6-5-1946), Bộ tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam (tháng 11-1946), sau đó đổi thành Bộ tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ (tháng 3-1947), rồi Bộ tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam (tháng 4-1948). Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), cơ quan chỉ huy tối cao này đổi thành Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 7-1950), gồm bộ tổng tham mưu, tổng cục chính trị, tổng cục cung cấp, đoàn thanh tra và văn phòng. Đến năm 1975 cơ quan này đổi tên thành Bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam và tồn tại cho tới ngày nay.

Photobucket - Video and Image Hosting

Từ nhân dân mà ra!

Trong chiến tranh, chủ trương của bộ tổng tham mưu quân đội cộng sản Việt Nam là giành thắng lợi, quân sự hay tuyên truyền, bằng mọi giá bất chấp thiệt hại về người hay tài sản. Với những thiệt hại này, nhiều câu hỏi được đặt ra : Có cần phải trả một giá quá đắt về nhân mạng và tài sản để đạt chiến thắng không ? Thân nhân những người đã hy sinh trong cuộc chiến có được đền bù xứng đáng không ? Phe thất trận (Pháp, Hoa Kỳ và đồng minh) đã đền bù như thế nào cho nhân dân Việt Nam ? Nhắc lại:

– Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954) tổng số thương vong của Pháp là 140.992 người, trong đó 75.867 người chết và mất tích, 65.125 người bị thương ; tổng số thương vong của quân đội quốc gia Việt Nam là 31.716 người, trong đó 18.714 chết và mất tích, 13.002 bị thương, khoảng 25.000 thường dân bị thiệt mạng. Phía Việt Minh, số thương vong cao gấp ba lần, khoảng 500.000 người trong đó hơn 325.000 chết.

– Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1956-1975), số thiệt hại về tài sản và nhân mạng càng khủng khiếp : hơn một triệu binh lính cộng sản và bốn triệu thường dân bị thiệt mạng, cao gấp 5 lần so với thiệt hại phía Việt Nam Cộng Hòa : 255.000 binh lính và 430.000 thường dân bị thiệt mạng. So với thiệt hại của Hoa Kỳ và đồng minh : 58.000 lính Mỹ chết và 158.000 bị thương ; Đại Hàn : 5.000 chết ; Úc : 500 chết, 3.000 bị thương ; New Zealand : 38 chết và 118 bị thương ; Thái Lan : 351 chết và bị thương ; Philippnes vài chục người chết và bị thương, thì sự thiệt hại của phe cộng sản cao gấp 17 lần.

– Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, phe cộng sản tuy có đạt được thắng lợi về mặt tuyên truyền nhưng gần như toàn bộ lực lượng võ trang của phe cộng sản tại miền Nam đã bị tiêu diệt. Ngay trong đợt đầu ngày 30-1-1968, hơn một nửa lực lượng quân sự đã bị thiệt mạng, gần 80.000 người, trong đó 1/4 là đặc công. Càng bị thiệt hại, phe cộng sản càng thí quân, các cuộc tổng tấn công lần thứ hai vào tháng 5-1968 và lần thứ ba vào tháng 8-1968 đã nâng tổng số thiệt hại về nhân mạng của phe cộng sản lên 125.000 người. Phải chờ ba năm sau, từ 1969 đến 1971, phe cộng sản miền Nam mới xây dựng lại được lực lượng.

Theo tổ chức của quân đội cộng sản Việt Nam, bộ tổng tham mưu là cơ quan lãnh đạo chính trị và tư tưởng. Trong mỗi đơn vị, quyết định của các cấp chỉ huy tác chiến phụ thuộc vào các tham mưu trưởng và cấp phó. Trong sơ đồ tổ chức, đứng đầu là Văn phòng bộ tổng tham mưu (chánh văn phòng: thiếu tướng Nguyễn Hữu Mạnh), kế là Cục chính trị, sau đó mới đến các cục mang tính kỹ thuật như Cục tác chiến, Cục quân lực, Cục tác chiến điện tử, Cục quân huấn, Cục bản đồ, Cục cơ yếu, Cục quản lý hành chính (tương đương với Cục hậu cần : quân lương, quân trang, xây dựng doanh trại, nhiên liệu, quân y, nhà khách… thuộc bộ tổng tham mưu), Cục nhà trường (huấn luyện và đào tạo), Cục dân quân tự vệ (năm 1975 là Cục động viên và dân quân, năm 1979 là Cục quân sự địa phương, năm 1980 có tên gọi như hiện nay), Cục kiểm soát quân sự (lữ đoàn 144). Ngoài ra còn một số cơ quan và đơn vị khác.

Dưới quyền điều động của bộ tổng tham mưu là các quân chủng, binh chủng và quân đoàn chủ lực. Quân chủng gồm lục quân, không quân, hải quân và bộ đội biên phòng, trong đó lục quân là lực lượng quân sự chủ yếu với các binh chủng (pháo binh, hóa học, công binh, tăng thiết giáp, thông tin liên lạc và đặc công) và bốn quân đoàn chủ lực (quân đoàn 1 hay binh đoàn Quyết thắng, quân đoàn 2 hay binh đoàn Hương Giang, quân đoàn 3 hay binh đoàn Tây Nguyên, quân đoàn 4 hay binh đoàn Cửu Long).

Từ 1982 trở lại đây, mỗi quân chủng, binh chủng và đơn vị kỹ thuật có một phù hiệu riêng, tổng cộng 25 loại : lục quân, hải quân, không quân, phòng không, bộ binh cơ giới, đặc công, xe tăng-xe bọc thép, pháo binh, hóa học, công binh, thông tin, bộ đội biên phòng, bộ đội nhảy dù, hải quân đánh bộ, tên lửa, cao xạ, ra-đa, hậu cần-tài vụ, quân y-thú y, kỹ thuật, lái xe, quân pháp (gồm cơ quan điều tra hình sự, tòa án quân sự, viện kiểm sát quân sự, cơ quan pháp chế và các lực lượng kiểm soát quân sự), quân nhạc, thể công, văn công.

Quân chủng lục quân

Lục quân, hay bộ binh, là lực lượng chính quy chủ yếu của quân đội cộng sản Việt Nam, với một quân số khoảng 400.000 người.

Lực lượng bộ binh gồm ba thứ quân : chủ lực, địa phương và dân quân-tự vệ. Dân quân-tự vệ là lực lượng bán quân sự trực thuộc địa phương. Hai lực lượng còn lại (chủ lực và địa phương) là lực lượng quân sự chuyên nghiệp và được huấn luyện chính quy.

Tổ chức quân đội cộng sản Việt Nam, đúng ra là lục quân, chia ra làm hai loại: quân cơ động và quân đồn trú. Quân cơ động là lực lượng chủ lực tiến công cơ động, bộ chỉ huy không trú đóng tại một khu vực địa dư cố định nào. Quân đồn trú đóng quân cố định tại một khu vực địa dư cố định để bảo vệ và xây dựng lực lượng quân sự địa phương.

Quân chủ lực, hay quân cơ động, gồm 10 quân đoàn (còn gọi là binh đoàn). Quân đòan là cấp tổ chức cao nhất trong lục quân. Các cấp tổ chức từ thấp đến cao là tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn (đại đoàn). Từ cấp tiểu đoàn trở lên, ban chỉ huy gồm các cấp trưởng, cấp phó tác chiến, và các cấp tham mưu trưởng và phó phụ trách chính trị. Trước sự mở rộng ra thế giới bên ngoài, năm 2006 danh xưng chính ủy – chính trị viên trong quân đội được phục hồi.

Bốn trong số 10 quân đoàn đầu tiên là quân chủ lực: Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) được thành lập ngày 24-10-1973 tại Ninh Bình. Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) được thành lập ngày 17-5-1974 tại Thừa Thiên-Huế, gồm các sư đoàn 304, 324, 325, sư đoàn 673 phòng không, lữ đoàn 203 xe tăng, lữ đoàn 164 pháo binh, lữ đoàn 219 công binh. Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) được thành lập ngày 26-3-1975 tại Đắc Lắc. Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long, trước kia là “Bộ chỉ huy 351”) được thành lập ngày 20-7-1974 tại chiến khu Dương Minh Châu, miền Đông Nam Bộ, gồm các sư đoàn 7, 9, 309, pháo binh 434, trung đoàn phòng không 71, trung đoàn thông tin 29, trung đoàn công binh 550, tiểu đoàn vận tải 29, trung đoàn hóa học 38 và một số đơn vị trực thuộc. Những quân đoàn còn lại trực thuộc các quân khu như Quân đoàn 5 thuộc Quân khu 1 ; Quân đoàn 6 thuộc Quân khu 2 ; Quân đoàn 7 thuộc bộ quốc phòng ; Quân đoàn 8 (Binh đoàn Pắc Bó) thuộc Quân khu 1 ; Quân đoàn 68 thuộc Quân khu 2 ; Quân đoàn 34 thuộc Quân khu thủ đô.

Quân đồn trú là đơn vị quân sự chính qui trong một khu vực địa dư cố định mà chức năng chính là tác chiến bảo vệ khu vực địa dư đã được phân chia, xây dựng lực lượng quốc phòng địa phương. Bộ tham mưu quân khu chỉ huy quân địa phương và một số sư đoàn chủ lực. Việt Nam hiện nay có 8 quân khu gồm Quân khu 1 (khu vực rừng núi phía Đông Bắc), Quân khu 2 (các tỉnh miền núi phía Tây Bắc), Quân khu 3 (các tỉnh đồng bằng miền Bắc), Quân khu 4 (các tỉnh phía Bắc miền Trung), Quân khu 5 (các tỉnh phía Nam miền Trung và Tây Nguyên), Quân khu 7 (miền Đông Nam phần và khu vực Sài Gòn Gia Định), Quân khu 9 (miền Tây Nam phần) và Quân khu thủ đô (Hà Nội và các thành phố phụ cận).

Mỗi quân đoàn và mỗi quân khu có nhiều sư đoàn trực thuộc. Quân số của các sư đoàn không cố định, trên nguyên tắc từ 10.000 đến 15.000 người nhưng trong thực tế nhiều sư đoàn chỉ có từ 6.000 đến 7.000 quân. Một sư đoàn có nhiều trung đoàn, số trung đoàn cũng không cố định tuỳ theo tầm quan trọng của địa bàn hoạt động (nếu ở gần các vùng biên giới thì nhiều hơn), quân số của một trung đoàn khoảng 4.000 người, trong thực tế chỉ có từ 2.500 đến 3.000 quân. Một trung đoàn có nhiều tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có từ 700 đến 900 người, con số trung bình trong thực tế là từ 500 đến 600 quân. Một tiểu đoàn có nhiều đại đội, mỗi đại đội có từ 150 đến 180 người, con số trung bình trong thực tế là trên dưới 100 quân. Mỗi sư đoàn bộ binh có thể được tăng cường bởi nhiều binh chủng như bộ binh cơ giới, pháo binh, pháo phản lực, pháo chống tăng, phòng không, xe tăng, công binh, thông tin, trinh sát, sửa chữa, quân y, vận tải, hóa học, thông tin liên lạc, tải thương…

Trong một số quân đoàn chủ lực, những binh chủng tinh nhuệ và kỹ thuật như đặc công, pháo binh, công binh, hóa học, tăng-thiết giáp, thông tin liên lạc được gởi đến để tăng cường khả năng tác chiến.

Quân chủng hải quân

Hải quân nhân dân Việt Nam là một trong hai quân chủng mới nhất của Bộ quốc phòng (không quân và hải quân), được thành lập trong thập niên 1980. Cơ quan chỉ huy là bộ tư lệnh hải quân (tư lệnh: phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến và hai chính ủy: phó đô đốc Nguyễn Văn Tình và chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền), đặt dưới quyền chỉ đạo của bộ tham mưu quân đội nhân dân. Bộ tư lệnh hải quân còn chỉ huy thêm một số binh chủng đặc biệt như hải quân đánh bộ (thủy quân lục chiến), tên lửa-pháo bờ biển, không quân hải quân.

Photobucket - Video and Image Hosting

Các cấp đơn vị trong hải quân gồm hải đoàn, hải đội tàu, binh đoàn hải quân đánh bộ, các binh đoàn bộ đội chuyên môn, các đơn vị bảo đảm phục vụ (ra đa, thông tin, kỹ thuật, hậu cần…).

Dưới quyền chỉ huy của Bộ tư lệnh hải quân là các cơ quan và đơn vị trực thuộc gồm Cục chính trị, Bộ tham mưu, Bảo tàng hải quân (Hải Phòng), Cục hậu cần, Cục kỹ thuật, Cục cảnh sát biển, Viện kỹ thuật hải quân (trụ sở chính đặt tại Hải Phòng), Lữ đoàn 171, Lữ đoàn công binh 131, Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Hải Long (X46), Nhà máy quốc phòng X51, Học viện hải quân Nha Trang, Trường trung học kỹ thuật hải quân và một số trường trung học chuyên nghiệp, nhà máy, xí nghiệp khác.

Các vùng hải quân là tổ chức liên binh đoàn chiến dịch-chiến thuật của hải quân, phân chia theo lãnh thổ, gồm các binh đoàn, binh đội tàu mặt nước, không quân của hải quân, hải quân đánh bộ, bộ đội phòng thủ đảo, pháo binh bờ biển và các đơn vị tác chiến kỹ thuật (ra đa, thông tin, kỹ thuật, hậu cần…). Ngày 26-10-1975, bờ biển Việt Nam được chia thành 5 vùng duyên hải trực thuộc bộ tư lệnh hải quân. Năm 1978 các vùng duyên hải đổi thành 5 vùng hải quân :

1. Vùng 1 (vùng I, vùng A) : Vịnh Bắc Bộ. Từø 1975 đến 1978 vùng 1 quản lý vùng biển từ Móng Cái đến Ninh Bình (cửa sông Đáy). Tháng 10-1978 một phần lực lượng của Vùng 2 giải thể được sáp nhập vào Vùng 1. Từ đây Vùng 1 được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ một vùng biển rộng từ cửa sông Bắc Luân đến mũi Độc (gần Đèo Ngang, vùng giáp giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) bao gồm các đảo gần bờ, xa bờ và thềm lục địa thuộc Vịnh Bắc Bộ.

2. Vùng 2 (vùng II, vùng B), vùng biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên, bị giải thể năm 1978 để sáp nhập vào vùng 1 và vùng 3.

3. Vùng 3 (vùng III, vùng C). Từ 1975 đến 1978 vùng 3 quản lý vùng biển từ Đà Nẵng đến mũi Kê Gà (Bình Thuận), có bờ biển dài khoảng 1.100 km. Sau khi vùng 2 giải thể, vùng 3 quản lý cả đoạn giữa miền Trung, từ mũi Độc trở vào đến Bình Thuận, gồm đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn… Trụ sở bộ chỉ huy đặt tại Đà Nẵng. Vùng 3 Duyên hải gồm 3 khu duyên hải : Nam Ngãi (khu 31), Bình Phú (khu 32), Khánh Ninh Bình (Khu 33) ; một khu duyên hải tương đương cấp trung đoàn.

4. Vùng 4 (vùng IV, vùng D), quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển phía nam miền Trung, từ Hàm Tân đến sông Soài Rạp.

5. Vùng 5 (vùng V, vùng E) quản lý vùng biển Nam biển Đông và vịnh Thái Lan, từ sông Soài Rạp đến Hà Tiên.

Từ năm 1981, quân hàm các cấp tướng trong hải quân mới có tên gọi riêng, theo cách gọi của Liên Xô : đô đốc (tương đương thượng tướng), phó đô đốc (tương đương trung tướng), chuẩn đô đốc (tương đương thiếu tướng). Cho đến nay chỉ có một đô đốc : cố tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương (1921-1990) được phong năm 1988. Hiện nay quân hàm cao nhất trong quân chủng hải quân là phó đề đốc.

Được thành lập ngày 7-5-1955, lực lượng hải quân cộng sản Việt Nam còn rất mới và rất yếu. Trước đó chỉ có hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng được thành lập ngày 24-8-1954, Trường huấn luyện bờ biển được thành lập tháng 4-1955, Cục phòng thủ bờ biển được thành lập tháng 5-1955. Ngày 24-1-1959, Cục phòng thủ bờ biển đổi thành Cục hải quân và ngày 3-1-1964 thành Bộ tư lệnh hải quân. Ngày 13-9-1975, các đơn vị phòng thủ đảo được thành lập. Ngày 31-8-1998, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được thành hình.

Học viện hải quân có hai trụ sở, một tại Nha Trang (cơ sở 2) và một tại Quảng Yên (cơ sở 1), có nhiệm vụ đào tạo sĩ quan hải quân có trình độ đại học để đảm nhiệm các vai trò chỉ huy tham mưu kỹ thuật hải quân, thời gian đào tạo kéo dài từ 5 đến 5,5 năm. Chương trình đào tạo quá nặng về chính trị nên trình độ kỹ thuật và chuyên môn của học viên rất giới hạn nhất là về các ngành hàng hải, cơ điện, tên lửa, pháo tàu, vũ khí dưới nước, thông tin rada, cảnh sát biển và ngoại ngữ.

Hiện nay trang bị của hải quân Việt Nam còn quá nghèo nàn so với các quốc gia trong vùng. Khi lâm chiến chỉ trông cậy vào các loại tên lửa địa đối không hay địa đối địa. Lực lượng tàu chiến có trọng lượng lớn không nhiều, lực lượng tàu ngầm cũng thế, rất ít và có trọng tải nhỏ, nên chỉ có thể bảo vệ các vùng hải phận gần mà thôi. Các loại tàu phóng ngư lôi còn quá ít và thiếu tập dượt nên hoả lực không đáng kể.

Quân chủng không quân

Không quân nhân dân Việt Nam, là một bộ phận của quân chủng phòng không-không quân trực thuộc bộ quốc phòng. Được thành lập ngày 3-3-1955 dưới tên gọi Ban nghiên cứu sân bay, sau đó đổi thành Cục không quân ngày 24-1-1959 gồm Ban nghiên cứu sân bay và Cục hàng không dân dụng Việt Nam. Từ sau ngày đó, lực lượng không quân bắt đầu phát triển với Trung đoàn vận tải 919 tháng 5-1959. Ngày 22-10-1963 Cục không quân được sáp nhập vào Bộ tư lệnh phòng không thành Quân chủng phòng không-không quân, lúc đó chỉ có một Trung đoàn vận tải 919 và Trung đoàn 910 (gồm các loại máy bay L-39C và Jak-18 trường huấn luyện).

Phản lực cơ SU-27

Trung đoàn không quân tiêm kích (chasseur) đầu tiên ra đời ngày 3-2-1964 tại Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc) mang mã số 921 với tên đoàn Sao Đỏ, gồm 70 phi công, 32 máy bay chiến đấu MiG-17, 4 MiG-15, MiG-17A, từ tháng 4-1965 tất cả được chuyển sang MiG-21bis/UM. Trung đoàn thứ hai được thành lập ngày 4-8-1965 mang mã số 923 với tên đoàn Yên Thế gồm các loại máy bay tiêm kích-bom Su-22M-4/UM-3K. Trung đoàn thứ ba mang mã số 927 với tên đoàn Lam Sơn gồm các loại máy bay MiG-21bis/UM. Tiếp theo sau là nhiều trung đoàn khác với các mã số 916 Ba Vì (trực thăng Mi-6/8/24D), 917 Đồng Tháp (vận tải An-2/26, Mi-8), 918 Hồng Hà (vận tải An-26/30, Jak-40), 920 (MiG-21/UM), 925 (MiG-21bis/UM), 929 (MiG-21bis/UM), 931 (MiG-21bis/UM), 933 (MiG21bis/UM), 935 Đồng Nai (MiG-21bis/UM), 937 Hậu Giang (Su-22M-4/UM-3K), 954 (Ka-25/28). Tuyệt đại đa số các loại máy bay này được sản xuất tại Liên Xô.

Bộ tư lệnh không quân được thành lập vào tháng 3-1967, nhưng quân chủng không quân chỉ chính thức ra đời ngày 16-5-1977, với các binh chủng không quân tiêm kích, không quân tiêm kích-bom, không quân vận tải, không quân trinh sát… để rồi được sáp nhập trở lại vào quân chủng phòng không-không quân ngày 3-3-1999.

Hiện nay lực lượng không quân của Việt Nam có khoảng 30.000 người, gồm 3 sư đoàn : 370 Lê Lợi, 371 Thăng Long (1967), B372 Hải Vân, trong đó có 2 trung đoàn công kích, 2 đoàn tiêm kích, 3 đoàn vận tải, 3 đoàn huấn luyện, 4 lữ đoàn cao pháo, 6 lữ đoàn rađa với hơn 100 trận địa rađa và 66 trận địa tên lửa không đối không. Hai nơi đào tạo phi công hiện nay là tại Sơn Tây và Nha Trang.

Về máy bay phản lực chiến đấu (fighter) lực lượng không quân Việt Nam được trang bị từ 120 đến 150 MiG-21 (hơn 100 chiếc được nâng cấp thành MiG-21bis), từ 50 đến 60 Su-22M3/M4, 12 Su-27UBK/SK và đặc biệt là 4 Su-30MK2 tối tân nhất do Nga chế tạo. Nhờ có nhiều phi trường nằm rải rác trên khắp cả nước, khả năng tác chiến của binh chủng trực thăng Việt Nam rất hữu hiệu. Về trực thăng chiến đấu có từ 20 đến 30 chiếc Mil Mi-24, từ 50 đến 60 chiếc Mi-17 và từ 10 đến 15 chiếc Ka-25/27/32 mới nhất của Nga. Ngoài còn có rất nhiều loại máy bay và trực thăng vận tải và huấn luyện khác.

Tất cả các loại máy bay được cất giữ tại 16 phi trường quân sự trên khắp lãnh thổ Việt Nam : Kép (Bắc Giang), Kiến An (Hải Phòng), Yên Bái, Hòa Lạc (Hà Tây), Gia Lâm (Hà Nội), Sao Vàng (Thanh Hóa), Anh Sơn (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa), Thành Sơn (Ninh Thuận), Nước Trong-Long Thành (Đồng Nai), Biên Hòa (Đồng Nai), Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), Phước Long (Bình Phước), Phú Giáo (Bình Dương), Cần Thơ. Hiện có thêm 8 phi trường khác đang được xây dựng tại Lào Cai, Móng Cái, Hạ Long, Phan Rang, Cần Thơ, Long Thành, Đà Lạt và Phú Quốc.

Bộ đội biên phòng

Bộ đội biên phòng đảm nhiệm công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Việt Nam. Tuy không phải là một quân chủng chính thức nhưng bộ đội biên phòng được xếp ngang hàng với một quân chủng. Cơ quan chỉ huy là Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, trụ sở đặt tại số 4 phố Đinh Công Tráng, Hà Nội. Tư lệnh là trung tướng Tăng Huệ với nhiều phụ tá hàm thiếu tướng đảm nhiệm các chức vụ chính ủy, phó ủy và phó tư lệnh.

Hệ thống tổ chức của bộ đội biên phòng có ba cấp :

1. Bộ tư lệnh trung ương với các cơ quan trực thuộc bộ (Bộ tham mưu, Cục chính trị, Cục hậu cần-kỹ thuật, Cục trinh sát, Cục điều tra, Cục phòng chống tội phạm ma túy) và các đơn vị khác (Học viện biên phòng tại Sơn Tây, Cơ sở 2 Mai Dịch-Cầu Giấy-Hà Nội, Công ty Trường Thành, Công ty Sơn Hải (Hải Phòng), Trường 24 nuôi dạy chó nghiệp vụ.

2. Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm các phòng chính trị, tham mưu, trinh sát, hậu cần và các đơn vị trực thuộc như tiểu đoàn huấn luyện, đại đội cơ động, bệnh xá biên phòng tỉnh.

3. Đồn biên phòng gồm ban chỉ huy đồn, các đội vũ trang, đội công tác biên phòng, đội trinh sát biên phòng. Các đồn đặt tại các cửa khẩu, đường tiểu ngạch qua biên giới còn có thêm trạm kiểm soát biên phòng.

bộ đội biên phòng

Bộ đội biên phòng gồm hai lực lượng trên đất liền và trên mặt nước. Trên nước có hải đoàn và hải đội biên phòng. Hải đoàn biên phòng là đơn vị chiến đấu cấp chiến thuật, cơ động chiến đấu trên vùng biển, trực thuộc bộ tư lệnh bộ đội biên phòng trung ương. Hải đội biên phòng là đơn vị chiến đấu cấp cơ sở trên vùng biển, trực thuộc bộ chỉ huy biên phòng tỉnh hoặc nằm trong biên chế hải đoàn biên phòng. Hoả lực của bộ đội biên phòng hiện nay quá yếu, chưa cân xứng với trách nhiệm được giao phó, do đó chưa đủ khả năng bảo vệ biên giới và lãnh thổ của tổ quốc một cách triệt để khi bị một thế lực mạnh hơn đe dọa mặc dù có thừa quyết tâm và dũng cảm.

Được thành lập ngày 19-11-1958, bộ đội biên phòng mang nhiều tên khác nhau và trực thuộc nhiều cơ quan khác nhau. Ngày 19-11-1958, công tác bảo vệ nội địa và biên phòng giao cho ngành công an trực tiếp chỉ đạo, gọi là Lực lượng cảnh vệ gồm Cảnh vệ biên phòng và Cảnh vệ nội địa. Cảnh vệ biên phòng có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự dọc các khu vực biên giới, ngăn chặn những cuộc xâm nhập vào biên giới trên đất liền và bờ biển, kiểm soát việc qua lại biên giới (xe, người, hành lý, hàng hóa từ trong nước mang ra và từ ngoài nước mang vào trong nước). Cảnh vệ nội địa có nhiệm vụ đánh dẹp những hoạt động phá hoại, bảo vệ những yếu nhân của đảng và nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các lãnh tụ quốc tế và các vị khách nước ngoài vào thăm Việt Nam, bảo vệ các công xưởng, hầm mỏ, kho tàng, các trung tâm thông tin liên lạc, các đầu mối và trục giao thông, các cuộc vận chuyển và các cơ sở văn hóa, khoa học kỹ thuật quan trọng, bảo vệ an ninh thủ đô, các thành phố và thị xã quan trọng, các cuộc mít tinh lớn do đảng và nhà nước tổ chức, thi hành lệnh giới nghiêm khi cần thiết, canh gác các trại cải tạo, trại giam, áp giải các phạm nhân chính trị và hình sự quan trọng, bảo vệ các phiên tòa.

Ngày 3-3-1959, bộ đội biên phòng có tên Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của bộ công an. Đến cuối năm 1979, Công an nhân dân vũ trang lấy lại tên cũ là Bộ đội biên phòng trực thuộc Bộ quốc phòng. Năm 1988, Bộ đội biên phòng trực thuộc Bộ nội vụ, cuối năm 1995 thì trực thuộc lại Bộ quốc phòng.

Các binh chủng

1. Binh chủng đặc công

Đặc công là lực lượng tinh nhuệ nhất trong các binh chủng tác chiến chuyên nghiệp của chính quyền cộng sản Việt Nam. Tuy không được trang bị bằng lực lượng đặc nhiệm của các cường quốc quân sự, khả năng chiến đấu của binh chủng đặc công Việt Nam không thua kém. Lối đánh của đặc công rất dũng cảm và táo bạo. Ưu điểm của đặc công là đánh bất ngờ, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh bằng hoả lực mạnh, do đó được coi là lá bài tẩy của đảng cộng sản Việt Nam và đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của bộ tham mưu, nghĩa là của đảng ủy cộng sản chứ không qua bộ quốc phòng. Nếu được trang bị hiện đại và ăn mặc tươm tất hơn, lực lượng này có thể tham gia những cuộc diễn tập quân sự quốc tế và tham gia công tác giữ gìn an ninh của Liên Hiệp Quốc.

Được thành lập ngày 19-3-1967, lực lượng này phát triển nhanh chóng trong những năm sau đó với sự hình thành ba loại đặc công : đặc công bộ (trên đất liền), đặc công nước (trên sông, biển và cảng tàu), đặc công biệt động (trong thành phố). Như mọi tổ chức quân đội khác, lực lượng đặc công đặt dưới quyền chỉ huy của bộ tham mưu, kế là các cục chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Trụ sở đặt tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Lực lượng đặc công hiện nay gồm nhiều tiểu đoàn và một trường đào tạo sĩ quan đặc công.

Việt Nam có bờ biển dài, nhiều sông ngòi và đan xen chằng chịt như miền Nam, lực lượng đặc công nước (còn gọi là đặc công thủy) đã tỏ ra hữu hiệu không kém gì đặc công bộ. Vì đánh dưới nước khó khăn hơn nhiều so với trên đất liền, trang bị vũ khí của đặc công nước cũng khác biệt hơn. Tại miền Bắc, lực lượng đặc công nước được sử dụng vào các công tác săn lùng tàu địch. Nếu được đào tạo và trang bị thích ứng hơn, lực lượng này có thể đảm nhiệm vai trò bảo vệ các quần đảo ngoài khơi.

Thời chiến tranh, trong các thành phố, lực lượng đặc công biệt động đảm nhiệm các vai trò ám sát, đánh các đồn bót, các phi trường và đặt bom phá hoại công thự, cầu cống, kho đạn, kho vũ khí, kho xăng, phương tiện di chuyển và chuyên chở.

2. Binh chủng pháo binh

Được thành lập ngày 29-6-1946, binh chủng pháo binh đã nhanh chóng trở thành binh chủng hoả lực chính yếu của bộ binh. Bộ tư lệnh pháo binh đặt tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, với các cơ quan chỉ huy như Bộ tham mưu, Cục chính trị, Cục hậu cần, Cục kỹ thuật, Trường sĩ quan pháo binh (Sơn Tây) và các lữ đoàn pháo được phân bổ vào các sư đoàn bộ binh.

Binh chủng pháo binh hiện nay được trang bị đủ loại đại pháo cũ và mới, có loại có từ thập niên 1970, có loại mới nhất nhập từ Nga.

3. Công binh

Công binh là một binh chủng kỹ thuật, có chức năng giữ gìn các công trình trong tác chiến, xây dựng các công trình quốc phòng và cầu đường cho bộ binh tác chiến.

Được thành lập từ 1946 với những phương tiện thô sơ, binh chủng công binh ngày nay được trang bị khá hiện đại với những loại xe cơ động và máy móc tối tân được các quốc doanh Đông Á giúp đỡ từ thập niên 1990 đến nay.

Đây là một binh chủng khá mới trong lối tác chiến hiện đại nên mang rất nhiều tên khác nhau qua các thời kỳ : Công chính giao thông cục ngày 25-3-1946, trực thuộc bộ quốc phòng, Giao thông công binh cục ngày 2-12-1946, Cục công binh ngày 5-2-1949, Phòng công binh ngày 17-8-1951, rồi trở lại tên Cục công binh ngày 3-11-1955. Bộ tư lệnh công binh được thành lập ngày 28-6-1965, trụ sở đặt tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đứng đầu binh chủng công bình là Bộ tham mưu, kế đến là các cục chính trị, hậu cần và kỹ thuật, tiếp theo là các cơ quan và đơn vị trực thuộc như Công ty xây dựng Lũng Lô, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bomicen), Trường sĩ quan công binh (Bình Dương), Bảo tàng công binh (Hà Nội) và các lữ đoàn.

4. Hoá học

Đây là một binh chủng kỹ thuật được thành lập để hỗ trợ các sư đoàn bộ binh, được thành lập từ năm 1958. Binh chủng hoá học có nhiệm vụ phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, ngụy trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng và nghi binh đánh lừa địch bằng khói. Hoả lực chính của binh chủng hoá học là vũ khí bộ binh và súng phun lửa.

Bộ tư lệnh của binh chủng hoá học đặt tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vì là một đơn vị có tầm vóc nhỏ, các ban phòng và đơn vị hoá học thường được kết hợp vào các đơn vị lục quân như quân khu, sư đoàn, trường sĩ quan lục quân. Năm 1976, Cục hóa học được thành lập cùng lúc với Trường sĩ quan phòng hóa, Viện hoá học quân sự, Trung đoàn hóa học 86, Trường hạ sĩ quan hoá học. Phân viện phòng chống vũ khí NBC (nguyên tử, vi sinh vật và hoá học) và Trung tâm khoa học và công nghệ quân sự được thành lập trong thập niên 1980.

5. Tăng-thiết giáp

Các đơn vị tăng và thiết giáp đã xuất hiện từ năm 1959 nhưng binh chủng thiết giáp chỉ được thành lập từ ngày 22-6-1965 và không ngừng lớn mạnh nhờ được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ.

Bộ tư lệnh binh chủng tăng và thiết giáp đặt tại đường Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, Hà Nội, với các bộ tham mưu, cục chính trị, hậu cần và kỹ thuật, trường sĩ quan tăng thiết giáp (Vĩnh Phúc), Trường hạ sĩ quan (Vĩnh Phúc), Bảo tàng tăng thiết giáp (Hà Nội), Công ty xây dựng Nghĩa Đô, Đoàn xe tăng H01 và các lữ đoàn.

Hiện nay binh chủng tăng-thiết giáp được trang bị các loại xe tăng chủ lực T-54/55, T-62 của Liên Xô, T-59 của Trung Quốc, 150 xe T-72 mua của Ba Lan năm 2005 ; xe tăng lội nước PT-76 của Nga, K-63-85 của Trung Quốc ; các loại xe thiết giáp chiến đấu BMP-1/2 của Nga, trinh sát BRDM-1/2 của Nga, chở quân BTR-40/50/60/152 của Nga, M-113/114 của Mỹ ; K-63 của Trung Quốc.

6. Thông tin-liên lạc

Đây là một binh chủng kỹ thuật được thành lập để hỗ trợ lục quân, có chức năng bảo đảm thông tin và liên lạc cho chỉ huy quân đội. Nhiều đơn vị thông liên lạc đã được thành lập từ 1945 để hỗ trợ bộ đội, binh chủng thông tin liệc lạc chỉ chính thức thành lập ngày 31-1-1968 dưới tên Cục thông tin liên lạc, trụ sở đặt tại phố Giảng Văn Minh, quẫn ba Đình, Hà Nội. Dưới Bộ tư lệnh là các Cục tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, các trung đoàn và tiểu đoàn thông tin, Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin (Nha Trang).

7. Tên lửa-phòng không

Binh chủng này được kết hợp chung với quân chủng không quân, có nhiệm vụ sử dụng tên lửa để tiêu diệt các khí cụ bay của đối phương trên không và để bảo vệ các trung tâm chính trị, kinh tế, nơi trú đóng của các lực lượng quân sự và các mục tiêu chiến lược quan trọng.

Vì được thành lập bí mật trong chiến tranh, bộ tư lệnh của binh chủng này được sáp nhập vào quân chủng không quân. Đây là lực lượng mũi nhọn để bảo vệ vùng trời khi có chiến tranh. Hiện nay binh chủng này được trang bị các loại hoả tiễn của Nga như SA-2, SA-3, SA-6, SA-7, SA-9, SA-13, SA-14, SA-16 và đặc biệt là các loại hoả tiễn S-300/PMU1 tối tân nhất, phân bổ trong các trung đoàn (228B, 236) và tiểu đoàn hoả lực (61, 62, 63, 64…) tên lửa (hoả tiễn) phòng không trên toàn quốc. Tuy nhiên nếu bị tấn công một cách ồ ạt bằng phi cơ, lực lượng này không đủ khả năng chống trả vì hoả lực phản công quá ít.

Kết luận

Mặc dù chưa được trang bị với những loại vũ khí hiện đại nhất, với số lượng quân chủng và binh chủng vừa kể, quân đội cộng sản Việt Nam đủ khả năng sức bảo vệ lãnh thổ và đương đầu với bất cứ cuộc xâm lấn nào trên đất liền. Nhưng điểm yếu của quân đội cộng sản Việt Nam, ngoài yếu tố chính trị bao trùm, là trên biển và trên không. Nằm trong một khu vực chiến lược đầy tranh chấp, hải quân và không quân Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức để có thể bảo vệ một cách hữu hiệu chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng quân sự.

Song song với lực lượng bộ binh, nếu chính quyền cộng sản Việt Nam xây dựng thành công lực lượng đặc công nước và một đội tàu phóng ngư lôi xung kích hùng hậu, thì bất cứ thế lực quân sự khu vực nào muốn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam, trên đất liền hay trên Biển Đông phải sờ lại gáy trước khi hành động.

Nguyễn Văn Huy

(TL)

Leave a Comment »

No comments yet.

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.