Diễn đàn Paltalk TiengNoi TuDo Cua NguoiDan VietNam

April 1, 2008

Một Xã Hội Đầy Phân Hóa Tại Tây Tạng

By SHAI OSTER in Lhasa, China, and GORDON FAIRCLOUGH in Shanghai (The Wall Street Journal 28/3/08 )

Chùa Jokang

Một Xã Hội Đầy Phân Hóa Tại Tây Tạng

By SHAI OSTER in Lhasa, China, and GORDON FAIRCLOUGH in Shanghai
(The Wall Street Journal 28/3/08 )

Những cuộc biểu tình đẫm máu làm khuấy động Tây Tạng đã phơi bày nhiều hơn là sự oán giận của xã hội này đối với nhà nước Trung Quốc. Cuộc nổi loạn cũng để lộ ra một sự rạn nứt sâu xa giữa quần chúng Tây Tạng và tầng lớp thượng lưu đang hợp tác với nhà nước Trung Quốc để cai trị vùng này.

Vết rạn nứt này đã được thấy rõ ràng vào hôm Thứ Năm (27/3) tại Lhasa, khi các viên chức nhà nước Trung Quốc đưa nhóm đầu tiên của các phóng viên báo chí nước ngoài, được phép vào Lhasa sau khi bạo động bùng nổ tại đó vào ngày 14/3, đi tham quan Chùa Jokhang, là trọng tâm tinh thần của thủ đô vùng Hy mã lạp sơn này,

Người đứng đầu bộ phận quản lý hành chánh của ngôi chùa bắt đầu nói về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết quốc gia và lịch sử lâu đời của Tây Tạng như một phần của Trung Quốc. Thì một nhóm gồm 30 nhà sư trẻ, có vài người mặt đầm đìa nước mắt, bu lại chung quanh các phóng viên trong sân chùa phía trong và la lên: “Tây Tạng không có tự do! Tây Tạng không có tự do!”. Các viên chức nhà nước liền xua các phóng viên muốn phỏng vấn các nhà sư đi chỗ khác.

 

Các nhà sư vừa khóc vừa trả lời các ký giả

Vụ phản đối nhà nước (của các nhà sư trẻ) này không được chuẩn bị trước là một điều xấu hổ cho những người chủ nhà Trung Quốc, đã tổ chức chuyến viếng thăm cho giới báo chí nước ngoài để chứng minh rằng tình hình yên ổn và sự đoàn kết đã trở lại với Lhasa sau cuộc bạo loạn cách đây 2 tuần Với Trung Quốc đang nằm trong tầm chú ý của quốc tế vì Thế vận hội Bắc Kinh đang tiến đến gần kề, nhà nước Trung Quốc đã cố tìm cách để đưa ra các tuyên bố rằng vụ bạo động tại Lhasa được chủ mưu bởi một nhóm nhỏ ở bên ngoài – trong đó có những Phật tử Tây Tạng có liên hệ với vị lãnh đạo tinh thần đang sống lưu vong là Ðức Ðạt lai Lạt ma.

“Những trường hợp cá biệt như thế này không thể tránh được trong bất cứ xã hội nào”, theo ông Pelma Trilek, phó chủ tịch điều hành của chính quyền địa phương, “Lhasa đang được mở rộng cho thế giới. Những trường hợp này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề phát triển của chúng tôi”.

Những vụ nổi loạn tại Lhasa đã bùng phát ra sau khi các nhà sư bị bắt giữ hồi đầu tháng này trong lúc họ đang biểu tình ôn hòa. Các nhà sư và tín đồ cùng nhau tràn xuống các đường phố tại Lhasa sau đó vì không hài lòng với các giới hạn của nhà nước Trung Quốc về các quyền dân sự và việc biểu lộ niềm tin tôn giáo, đồng thời họ cũng chán nản bực tức vì không được thành công mấy về mặt kinh tế. Các đám đông người Tây Tạng đã tấn công người Hán tộc – là sắc dân đông đảo chiếm nhiều ưu thế nhất tại Trung Quốc – và người Hui theo đạo Hồi, đốt cháy rụi các cửa tiệm của họ và một đền thờ Hồi giáo. Toàn bộ nhiều dãy phố tại Lhasa chỉ còn lại các toà nhà cháy đen. Bất ổn từ đó đã lan rộng ra khắp các khu định cư đông đảo của người Tây Tạng ở phía tây Trung Quốc.

Nhà nước thừa nhận là đã giam giữ hàng trăm người tại Lhasa và coi như là đặt nguyên cả các tu viện dưới sự quản chế. Công an cũng thú nhận là đã bắn vào những người biểu tình khi tình trạng hỗn loạn lan tràn. Con số thương vong vẫn còn trong vòng tranh cãi và nhà cầm quyền đã đưa công an vũ trang đổ tràn vào các khu vực của người Tây Tạng để dập tắt các cuộc biểu tình mới nếu xảy ra.

Nhưng những xung đột này cũng đặt người Tây Tạng vào tư thế chống đối lẫn nhau. Nhiều người Tây Tạng trong tầng lớp thượng lưu, trong đó có hàng chục ngàn người như các nhân vật tôn giáo lão thành, doanh nhân, công nhân viên nhà nước – bao gồm các bác sĩ và giáo viên – đã trở lên phát đạt và có nhiều quyền lực vì làm việc cho Bắc Kinh. Những sự hợp tác này có lẽ đã đòi hỏi những người Tây Tạng thượng lưu này phải có nhiều nhượng bộ dàn xếp gay go, vì họ là những người thường hay bị ghét bỏ tại địa phương trong khi đó vẫn không được Bắc Kinh tin cậy.

Quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Tây Tạng đã trải qua nhiều thế kỷ. Quân đội Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1951, cuối cùng nhiều nhà sư bị bó buộc phải ra khỏi các tu viện. Các lãnh tụ lưu vong Tây Tạng, bao gồm Ðức Ðạt lai Lạt ma, vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, cáo buộc Trung Quốc đang phát động một chiến dịch “diệt chủng văn hóa” đối với dân tộc Tây Tạng. Các lãnh tụ Trung Quốc phản pháo lại rằng trước khi họ thôn tính Tây Tạng, thì các lãnh tụ cổ truyền Tây Tạng đã nắm quyền điều hành một xã hội phong kiến mục nát.

Xe cứu thương bị hư nát

Chuyến tham quan được bày vẽ sẵn dành cho giới báo chí vào hôm Thứ Năm, bao gồm các cuộc phỏng vấn những người Tây Tạng bị vướng mắc vào cuộc bạo loạn mới đây. Họ lên tiếng đưa ra lời nhắn nhủ về sự bất bạo động và tinh thần đoàn kết với Bắc Kinh, nhưng ngầm dưới các câu chuyện của những người Tây Tạng tương đối khá giả này là các câu chuyện trái ngược của những người đồng hương của họ.

Một cô y tá người Tây Tạng đứng cạnh một chiếc xe cứu thương hư nát bị đập phá trong lúc có cuộc biến loạn ngày 14/3. Cô y tá, tên là Ciji, cô này cũng giống như nhiều người Tây Tạng, chỉ dùng có một tên – nói rằng cô đã ở trong chiếc xe với một đứa trẻ 6 tuổi người Hán và cha mẹ nó, khi chiếc xe bị đập phá bởi người Tây Tạng. Phô trương tấm thẻ đảng viên Ðảng cộng sản của mình, cô y tá chỉ tay vào cái kiếng xe vỡ nát để nhấn mạnh đến sự tàn bạo của đám đông bạo động.

Cô nói rằng nhà nước Trung Quốc đã mang đến sự lành mạnh và phồn vinh. Cô nói, “Tây Tạng bây giờ thì tốt đẹp hơn trước nhiều. Lhasa đã phát triển rất nhiều kể từ thập niên 1970s và 80s”. Khi được hỏi về tín ngưỡng của cô, thì cô trả lời: “Ðạo của tôi là Mác-xít”

Những người biểu tình tại Lhasa đã dồn một phần sự giận dữ của họ vào các cơ sở nhà nước do các nhân viên người gốc Tây Tạng quản lý, bao gồm các trường học và cơ sở y tế. Trong một trạm ngừng khác của chuyến tham quan, bác sĩ Zhan Dui người gốc Tây Tạng, chỉ vào những ngăn kệ trống rỗng đầy thuỷ tinh vỡ vụn của một nơi từng là trạm phát thuốc công cộng thuộc cơ sở y tế của ông ta.

Viên bác sĩ cho biết, có một đám đông chuyên ném đá đã tụ tập vào lúc giữa trưa, phá huỷ trạm phát thuốc và chôm chĩa thuốc men. Các nhân viên của ông đã chèn các cửa lối dẫn lên bệnh xá trên lầu để giữ không cho đám đông vào sâu thêm bên trong. “Cuộc bạo động này có tổ chức và có mục đích”, viên bác sĩ, người đã làm việc tại cơ sở y tế này suốt 40 năm qua, kể lại.. “Họ muốn phá hoại sự ổn định và tinh thần đoàn kết”.

Chuyến viếng thăm hôm Thứ Năm đã cho thấy rằng cuộc bạo động tại Lhasa không phải chỉ giới hạn vào nguồn gốc lịch sử của thành phố này như đã được tin tưởng trước đây. Giới chức thẩm quyền thành phố nói rằng 190 cửa tiệm và 120 căn nhà đã bị phá huỷ trong 2 ngày trước khi tình hình được tái ổn định. Nhà cầm quyền nói rằng xe công an và xe cứu hoả bị kẹt giữa các chướng ngại vật trên đường phố và bị ném đá, làm cản trở các nỗ lực cấp cứu.

Cộng thêm vào sự kiện xảy ra tại ngôi chùa trên, cũng có những dấu hiệu vào hôm Thứ Năm cho thấy tình hình ổn định đã được tái lập tại Lhasa có thể rất bấp bênh. Ông Pelma, một viên chức người Tây Tạng, đã xác nhận những báo cáo của các nhà tranh đấu rằng, nhà nước đã bao vây cô lập 3 ngôi chùa lớn nhất trong thành phố với các nhà sư ở bên trong.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới càng lúc càng trở nên gay gắt với phản ứng của Trung Quốc đối với các vụ biến loạn. Tổng thống Bush đã bày tỏ mối quan tâm của ông về cách đối phó của Trung Quốc với tình trạng khủng hoảng này qua một cú điện thoại gọi cho Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào vào hôm Thứ Tư (26/3). Các nhà lãnh đạo thế giới khác, trong đó có Tổng thống Pháp ông Nicolas Sarkozy đã nói rằng, ông sẽ xem xét đến việc tẩy chay một phần nào đó của Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng Tám tới đây.

Họ quay lưng lại

Tây Tạng vẫn là một trong những khu vực nghèo nhất của Trung Quốc mặc dù lợi tức của thành phần thượng lưu Tây Tạng có gia tăng. Những người bị gạt ra ngoài các lĩnh vực đầu tư dày đặc của Trung Quốc tại các thành phố trong Tây Tạng càng lúc càng cảm thấy tức giận đối với giai cấp thượng lưu này, cũng như họ tức giận với người Hán, là sắc tộc đông đảo chiếm ưu thế tại Trung Quốc, đang tràn vào Tây Tạng trong nhiều năm qua.

“Tôi không ghét bỏ tất cả các đảng viên cán bộ người gốc Tây Tạng. Nhưng tôi ghê tởm những kẻ được giáo dục trong hệ thống của người Hán, rồi quay lưng lại với chúng tôi”, một chủ tiệm người Tây Tạng yêu cầu không được tiết lộ tên tuổi vì sợ bị trả thù nói với chúng tôi.. “Họ phải nhớ rằng họ là Phật tử trước và trước nhất. Ðiều đó có nghĩa là họ nên chia xẻ sự giàu có của họ với người nghèo, cho dù họ là người gốc Hán hay người gốc Tây Tạng”.

Trong nửa thế kỷ chiếm đóng Tây Tạng, nhà nước Bắc Kinh đã có những sự tin cậy khác nhau về lòng trung thành của các viên chức người gốcTây Tạng. Nhà nước Trung Quốc từ lâu đã âm mưu khai thác sự chia rẽ giữa những người Tây Tạng bằng cách tiến cử các viên chức từ các khu vực hay giáo phái được coi là không thân thiện mấy với Ðức Ðạt lai Lạt ma. Lãnh đạo chính trị cao cấp nhất của Tây Tạng, là viên Bí thư Ðảng cộng sản, người nắm chức vụ cao hơn cả thủ hiến Tây Tạng, lại là một người gốc Hán, mặc dù nhiều người dưới quyền ông ta là người gốc Tây Tạng.

“Họ tìm kiếm những kẻ sẵn sàng làm việc cho họ”, theo ông Robert Barnett, giám đốc trung tâm nghiên cứu Tây Tạng hiện đại tại Trường Ðại học Columbia ở Nữu Ước. “Nhưng mặc dù là như thế, có nhiều tín hiệu đang gia tăng trong vài năm qua cho thấy là họ vẫn không tin cậy những kẻ này”.

Ông Barnett nói rằng giới thượng lưu, nhưng đúng ra là mọi người từ tất cả các thành phần trong xã hội Tây Tạng, đều cảm thấy là họ bị cưỡng bách phải nói và làm những điều chính họ cũng không tin để mà sống còn, và trong vài trường hợp, lại trở lên khá giả dưới sự quản lý của người Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, ông Barnett nói, thử thách của Bắc kinh về lòng trung thành đã trở nên cặn kẽ hơn, bao gồm việc bó buộc phải lên án Ðức Ðạt lai Lạt ma, người đã rời bỏ Tây Tạng sau một cuộc nổi dậy chống sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1959, và hiện giờ đang sống ở Ấn Ðộ, nơi ngài làm cố vấn cho chính phủ lưu vong Tây Tạng.

Những tiếng nói đầu tiên được nghe từ nhà nước Trung Quốc sau các vụ biểu tình ôn hoà biến thành bạo loạn ngày 14/3 là của các viên chức và lãnh tụ tôn giáo gốc Tây Tạng. “Chúng tôi kiên quyết chống lại tất cả các hành động nhằm chia rẽ đất nước và phá hoại tình đoàn kết sắc tộc”, theo Ðức Ban thiền Lạt ma (Panchen Lama) Gyaincain Norbu. Vị thế của chức Ban thiền Lạt ma đứng vào hàng ngũ các chức sắc cao nhất trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng tư cách chính đáng của Gyancain Norbu thì có nhiều tranh cãi: Ông ta được sự ủng hộ của nhà nước Trung Quốc, vốn đã loại bỏ Ðức Ban thiền Lạt ma lựa chọn bởi các vị lãnh đạo Phật giáo được Ðức Ðạt lai Lạt ma ủng hộ. Nhiều viên chức Tây Tạng đổ thừa vụ nổi loạn cho các thành phần ly khai và lưu vong. Ðức Ðạt lai Lạt ma đã bác bỏ tất cả những cáo buộc cho rằng ngài chủ trương bạo động.

Nhưng những lời cáo giác như thế vẫn tiếp tục vang lên. “Ðây là do Ðạt lai Lạt ma cầm đầu”, theo Ge San, một người gốc Tây Tạng đang quản lý một nhà nghỉ quốc doanh dành cho những người Tây Tạng hải ngoại trở về để đầu tư làm ăn. Tòa nhà chính đã bị cháy rụi trong cuộc bạo loạn. “Việc khôi phục lại của chúng tôi đang được chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo đảng và nhà nước”.

Nền kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng trong hơn một thập niên, đưa hàng trăm triệu người Trung Hoa thoát khỏi nghèo đói và tạo ra một giai cấp trung lưu mới. Các công dân Trung Quốc có ăn học hoặc có vốn liếng đã thụ hưởng nhiều lợi ích to lớn từ những thay đổi này. Những người khác thì kém khả quan hơn.

Khoảng cách giàu nghèo

Cái khoảng cách giàu nghèo thì đặc biệt rất nghiêm trọng tại Tây Tạng. Ở đây, nỗ lực của nhà nước để hội nhập vùng đất rộng lớn, thưa dân và có vị trí chiến lược quan trọng vào nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc đã tạo ra một xã hội của những kẻ giàu và người nghèo. Ðầu tư có khuynh hướng đổ vào các khu vực thị tứ, hơn là các vùng bình nguyên dân cư thưa thớt trên cao nguyên Tây Tạng, là nơi sinh sống của đại đa số người Tây Tạng làm nghề nông và chăn bò mộng. Lợi tức trung bình ở Tây Tạng thì kém xa lợi tức trung bình toàn quốc, và khoảng cách lợi tức tại Tây Tạng thì lớn hơn bất cứ khu vực nào trong lãnh thổ Trung Quốc Lợi tức trung bình tính theo đầu người tại vùng nông thôn Tây Tạng vào khoảng 350 Mỹ kim một năm, căn cứ theo thống kê của nhà nước Trung Quốc. Những người trong các khu vực thị tứ thì có một lợi tức khả dụng (disposable income) hàng năm vào khoảng 1300 Mỹ kim một đầu người.

Những hình ảnh tương đối giàu có của các thành phố thu hút nhiều giới trẻ Tây Tạng từ các vùng quê đổ về. Nhưng họ thường bị thất vọng khi vừa đặt chân đến các khu vực thị tứ, là nơi mà họ biết rằng họ không có trình độ học vấn hoặc những mối quan hệ để tìm việc làm. Làm trầm trọng thêm tình trạng này là chính sách của Trung Quốc nhằm khuyến khích người Hán từ các vùng đã phát triển, để di dân đến Tây Tạng. Những người Hán này thường có nhiều trình độ chuyên môn cần thiết để thành đạt, và có khuynh hướng thuê mướn người gốc Hán thay vì người gốc Tây Tạng.

Những va chạm này tạo ra một nguyên nhân nòng cốt của cơn thịnh nộ vừa qua của những người biểu tình. Tại một khu ngoại ô của thành phố Lhasa, một người Tây Tạng tên Luoya đã tham gia vào cùng với một nhóm người đốt cháy một cửa tiệm bán xe gắn máy do người Hán làm chủ. Nhà nước dàn xếp cho anh ta được phỏng vấn ở nơi anh ta đang bị giam giữ. Qua một người thông dịch viên của công an, Luoya nói rằng anh ta được nói thoải mái và nuối tiếc các hành động của mình. Những lời kể của anh ta về vụ bạo động trái ngược lại với những cáo buộc cuả nhà nước là vụ bạo động đã được sắp đặt trước.

“Việc này đã không được tổ chức trước”, anh ta nói, lúc đang ngồi trên một cái ghế dài cứng cáp phía sau chấn song tù. “Tự nhiên nó xảy ra một cách bất thình lình”.

(SOURCE: Lhasa Riots Expose Tibet’s Split Society. Protesters Strike Region’s Ruling Elite/THE WALL STREET JOURNAL)

Leave a Comment »

No comments yet.

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.